Hoàn cảnh dẫn đến trận đánh Trận_Komarów_(1914)

Kế hoạch của Áo-Hung và Nga trong giai đoạn đầu của mặt trận phía Đông

Theo kế hoạch ban đầu của Đế quốc Áo-Hung đề ra trước cuộc chiến mang tên Kế hoạch B, quân đội nước này sẽ đương đầu ngay lập tức chỉ với Serbia và sẽ sử dụng ba tập đoàn quân trong khi ba tập đoàn quân khác sẽ được giữ để đề phòng quân Nga. Tuy nhiên người Đức muốn đồng minh Áo-Hung đưa quân về hướng đông bắc để gây áp lực cho cánh sườn quân Nga tại Volnia để cho Nga không thể sử dụng Ba Lan làm bàn đạp tấn công vào trung tâm Đức quốc.[1] Bên cạnh áp lực của đồng minh, việc quân Nga tổng động viên quá nhanh cũng khiến Áo-Hung không thể phớt lờ mối đe dọa từ Nga vì bất kỳ sự chậm trễ nào từ mặt trận Serbia sẽ tạo điều kiện cho Nga tấn công đánh chiếm lãnh thổ đế quốc, uy hiếp dãy núi Carpathian và từ đó xâm nhập vào Hungary.[2]

Conrad von Hötzendorf, tổng tham mưu trưởng quân đội Áo-Hung, tin rằng Áo-Hung sẽ đánh bại Serbia trước khi Nga tổng động viên xong[3] và việc tổng động viên chậm chạp của Nga sẽ giúp ông có ưu thế về quân số cho đến cuối tháng 8.[4] Mang tư tưởng tấn công làm chủ đạo, ông đã thảo luận với các sĩ quan tham mưu Đức về một cuộc tấn công gọng kìm vào phía tây Warsaw. Mặc dù bất chấp việc quân Đức không có ý định và quân lực để hỗ trợ như đã hứa, Conrad vẫn quyết định tấn công quân Nga tại Ba Lan.[5]

Để chống lại quân Nga, trong tay Conrad có ba tập đoàn quân: ở phía tây là Tập đoàn quân số 1 bố trí ở phía đông Sandomierz, chỉ huy bởi tướng Viktor Dankl gồm ba quân đoàn I, V và X; ở trung tâm nằm về phía bắc Przemysl là Tập đoàn quân số 4 của Đại tướng Bộ binh (General der Infanterie) Moritz von Aufenberg, bao gồm bốn quân đoàn II, VI, IX và XVII, bao gồm chín sư đoàn bộ binh và hai sư đoàn kỵ binh; ở phía đông Przemysl là Tập đoàn quân số 3 của Rudolf Ritter von Brudermann với ba quân đoàn III, XI và XIV.[6] Ngoài ra còn có Tập đoàn quân số 2 đang trên đường vận chuyển từ mặt trận Serbia đến Galicia và chỉ có thể tham chiến từ đầu tháng 9.[7] Conrad lệnh cho Tập đoàn quân số 1 tiến về hướng bắc, với ý định cắt đứt tuyến đường sắt Kiev-Warsaw giữa LublinChelm. Tập đoàn quân số 4 tiến về hướng đông bắc. Tập đoàn quân số 3 tiến theo hướng đông, theo hướng Rovno.[8] Tập đoàn quân số 1 và số 4 trong tư thế sẵn sàng hơn Tập đoàn quân số 3 đã xuất phát hướng về phía biên giới từ ngày 19 tháng 8.

Trong khi đó, về phía quân đội Nga, để chuẩn bị cho chiến tranh, hai kế hoạch đã được soạn thảo: Kế hoạch 19 trọng tâm là Đông Phổ của Đức và Kế hoạch 19 sửa đổi (đề ra vào tháng 5 năm 1912) cắt bớt quân ở Đông Phổ và chuyển mục tiêu chính sang Áo-Hung. Theo Kế hoạch 19 sửa đổi Nga sẽ thành lập hai “phương diện quân”, Tây Bắc và Tây Nam nằm dưới sự điều khiển của bộ chỉ huy tối cao (Stavka).[9] Khi chiến tranh nổ ra, việc tổng động viên của Nga được thực hiện theo Kế hoạch 19 sửa đổi, theo đó sẽ cùng lúc tấn công Đông Phổ và Áo-Hung.[10] Ngày 30 tháng 7 năm 1914, Nga bắt đầu tiến hành việc tổng động viên.[11]

Lực lượng quân Nga đối đầu với Áo-Hung là Phương diện quân Tây Nam do tướng Nikolay Iudovich Ivanov chỉ huy, bao gồm Tập đoàn quân số 4 của tướng Anton von Saltza gồm Quân đoàn Cận vệ, Quân đoàn XIV và Quân đoàn XVI; Tập đoàn quân số 5 của tướng Pavel Plehve có bốn quân đoàn V, XVII,XIX và XXV, gồm mười sư đoàn bộ binh và năm sư đoàn kỵ binh; Tập đoàn quân số 3 của tướng Nikolai Vladimirovich Ruzsky có bốn quân đoàn IX, X, XI và XXI và Tập đoàn quân số 8 của tướng Aleksey Alekseyevich Brusilov có bốn quân đoàn VII, VIII, XII và XXIV.[12]

Theo sự bố trí binh lực của đôi bên, Tập đoàn quân số 4 và số 5 của Nga tiến về phía nam sẽ chạm trán với Tập đoàn quân số 1 và số 4 của Áo-Hung đang tiến về hướng bắc. Tập đoàn quân số 4 Nga và Tập đoàn quân số 1 Áo mỗi bên có ba quân đoàn, còn Tập đoàn quân số 5 Nga và Tập đoàn quân số 4 Áo mỗi bên có bốn quân đoàn. Mỗi bên có tổng quân số xấp xỉ nhau là 350.000 quân. Xa hơn về phía đông, Tập đoàn quân số 3 Áo-Hung bị áp đảo quân số bởi hai Tập đoàn quân số 3 và số 8 của Nga.

Từ kế hoạch tổng động viên và các tài liệu khác của Áo-Hung mà Nga có được từ điệp viên Alfred Redl, bộ tổng tham mưu Nga tin rằng chủ lực Áo-Hung sẽ tập trung quanh phía đông sông San. Tuy nhiên thực tế Conrad đã bố trí quân lệch về phía tây so với dự kiến của người Nga. Hậu quả là Tập đoàn quân số 4 Nga rơi vào tình thế bất lợi còn hai Tập đoàn quân 3 và 8 sẽ ở quá xa chiến trường chính. Điều này có thể giúp cho Conrad có thể giáng một đòn vào hai tập đoàn quân 4 và 5 của Nga trước khi hai tập đoàn quân 3 và 8 đến ứng cứu kịp.

Trận Kraśnik

Tập đoàn quân số 1 Áo-Hung theo lệnh của Thống chế Conrad tiến đến Lublin và sườn phải của tập đoàn quân được bảo vệ bằng Tập đoàn quân số 4 đang tiến đến Cholm.[13] Cùng thời điểm này tướng Ivanov lệnh cho Tập đoàn quân số 4 và số 5 Nga tấn công Áo-Hung từ phía bắc.

Chiến cuộc tại Galicia mở đầu thuận lợi cho Áo-Hung với chiến thắng tại Kraśnik, phía nam Ba Lan. Ngày 22 tháng 8, Tập đoàn quân số 4 Nga thận trọng tiến vào Galicia, và ở phía nam của họ quân Áo cũng bắt đầu di chuyển. Tập đoàn quân số 1 Áo-Hung tiến vào đất Nga theo hướng Lublin và một ngày sau đó đã đánh bại Tập đoàn quân số 4 Nga trong Trận Kraśnik. Áo-Hung chịu thương vong 15.000 quân trong khi Nga mất hơn 25.000 quân, trong đó có 6.000 lính bị bắt làm tù binh.[14] Tập đoàn quân số 5 Nga trước tình huống này đã được lệnh đánh vào cạnh sườn và phía sau đơn vị kẻ thù đã tấn công Tập đoàn quân số 4 Nga là Tập đoàn quân số 1 Áo-Hung và do đó chạm trán Tập đoàn quân số 4 Áo-Hung đang di chuyển theo hướng bắc.[15]